Logo Website

SUY NGHĨ VỀ BỆNH THƯƠNG HÀN (III)

08/12/2020

ĐIỀU 38. SUY NGHĨ VỀ BỆNH THƯƠNG HÀN (III) 

Trọng Cảnh là một bậc y thánh trong y giới phương Đông, các y giả đời sau đều công nhận như vậy, Sở dĩ có sự tôn sùng đó, là đều căn cứ vào bộ Thương hàn tạp bệnh luận, có đủ "lý, pháp, phương, dược", đủ làm khuôn vàng thước ngọc cho y giả đời sau. Riêng về lịch sử hành nghề của Trọng Cảnh thì không thấy có điểm gì được "khoái trá" như Biển Thước và Hoa Đà... Vậy có lẽ y thuật của Trọng Cảnh không bằng Biển Thước và Hoa Đà chăng? Chắc không ai có thể khảng định được như vậy? 

Về điểm này tôi rất đồng ý với ông Lục Định Phố. Định Phố viết trong Lãnh Lư y thoại, có một đoạn nói: 

"... Trương Trọng Cảnh là bậc thánh trong y giới, còn Hoa Đà chỉ là một vị Tiên mà thôi. Hai vị đó sinh ra cùng một thời đại, Phạm thị (Hoa) chỉ chép truyện Hoa Đà, không chép truyện Trọng Cảnh, như vậy gọi là "lương sử" (4) sao được?" 

Nhân tìm trong Danh y lục thấy có một đoạn chép về lịch sử Trọng Cảnh, xin trích ra đây để Đông y giới chúng ta cùng thưởng thức một chút về hành nghề của vị tổ sư mà chúng ta bấy lâu vẫn nói theo: 

"... Người ở Nam dương, tên là Cơ, tên tự là Trọng Cảnh. Đỗ Hiếu liêm, làm đến chức Thái thú quận Trường Sa. Học nghề y ở người đồng quận là Trương Bá Tổ. Người đời bấy giờ thường nói: "Cơ hiểu biết sâu sắc hơn thầy...". 

Trong bài tựa Giáp ất kinh của Hoàng Phủ Thụy có chép rằng: 

"... Hán có Hoa Đà và Trương Trọng Cảnh. Trọng Cảnh gặp quan Thị trung là Vương Trọng Tuyên, lúc đó Trọng Tuyên mới có 20 tuổi. Trọng Cảnh bảo Trọng Tuyên: trong mình ông có bệnh, đến năm 40 tuổi thì lông mày sẽ rụng hết. Sau khi lông mày rụng được nửa năm, sẽ chết. Nên uống bài Ngũ thạch thang sẽ khỏi. Nói rồi liền trao bài thuốc cho Trọng Tuyên. Trọng Tuyên có ý không hài lòng lời nói của Trọng Cảnh, tuy nhận đơn thuốc mà không uống. Cách đó 3 ngày, Trọng Cảnh lại gặp Trọng Tuyên Trọng Cảnh hỏi: "Ông đã uống thuốc chưa?”. Trọng Tuyên đáp: "Đã uống rồi” Trọng Cảnh nói; "Coi khí sắc của ông không có gì biểu hiện là đã uống thuốc, sao lại coi rẻ tính mệnh của mình như vậy?,.. Trọng Tuyên không trả lời. Sau đó 20 năm, quả nhiên Trọng Tuyên tự nhiên rụng hết lông mày, rồi qua 117 ngày nữa thì chết. Đúng như dự đoán của Trọng Cảnh". 

Trên đây là lời ghi ở trong Danh y lục và bài tựa của Hoàng Phủ Thụy. Khá tiếc không nói rõ được bệnh của Trọng Tuyên là bệnh gì... Và bài Ngũ thạch thang dùng những vị thuốc gì?... Về điểm này chúng ta còn cần phải nghiên cứu. 

Nguồn trích: CHƯƠNG III: SUY NGHĨ VỀ THƯƠNG HÀN-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990