Logo Website

TÁC HẠI VIỆC DÙNG THUỐC BỔ

23/03/2021

ĐIỀU 161. TÁC HẠI VIỆC DÙNG THUỐC BỔ (I) 

Phàm dùng thuốc bổ, nên xét xem bản thân thiên về phương diện nào thì bổ vào phương diện ấy, mới có công hiệu. Chữ "bổ” có nghĩa như "vá". Thí dụ như vá áo, áo rách chỗ nào thì vá chỗ ấy. Chẳng lẽ chỗ rách không vá lại vá chỗ lành, thì cái áo ấy còn ra hình dạng gì nữa. Muốn bổ bằng nhiệt dược cũng đều phải thận trọng như vậy. Lại cần phải chú ý: tuy dùng nhiệt, dùng lương đều hợp với thể chất rồi, nhưng cũng chỉ nên một vừa hai phải, đúng mức thì thôi. Nếu quá mức thì lại thành "thiên thắng” lại gây bệnh khác. Xin dẫn chứng sau đây: 

Trong Cảnh Nhạc toàn thư phát huy của Diệp Thiên Sĩ có chép một truyện như sau: 

"Trầm Xích Văn mới có 20 tuổi, học rất thông minh. Bố mẹ yêu quí vô cùng. Gần đến thời kỳ cưới vợ, ông bố vợ làm một tễ Toàn lộc hoàn (22) chia cho 4 chàng thiếu niên cùng uống. Xích Văn bắt đầu uống từ mùa Đông, mãi tới mùa Xuân năm sau chưa hết. Bỗng bị bệnh đau nhức khắp mình, dần dần bụng nổi lên hòn cục và đau đớn kịch liệt, thân thể gầy rộc, ưa uống nước lạnh. Sau phải uống "Tửu chưng Đại hoàng" (23) mới tả ra được phân đen kết thành hòn cục rất nhiều, đem ngâm vào nước, nghiền ra như nước đỗ đen, bấy giờ mới biết Toàn lộc hoàn kết lại mà thành ra. Cách mấy ngày sau, vì nhiệt quá mà chết. Còn ba chàng thiếu niên kia, một chàng phát sinh chứng Hầu tý, một chàng bị mụn mọc ở giang môn, một chàng bị ho thổ ra huyết. Rồi cả ba chàng cũng đều chết. Đó là cái hại dùng nhiệt dược để bổ, không nhận rõ thể chất, dùng quá mức, gây nên thiên thắng, đến nỗi thiệt mạng. 

ĐIỀU 162. TÁC HẠI VIỆC DÙNG THUỐC BỔ (II) 

Cùng một tác giả là Diệp Thiên Sĩ, trong Y nghiệm lục có ghi một bệnh án như sau: 

Hoàng Lãng bị một bệnh: về mùa nực như tháng 5 tháng 6 mà vẫn sợ rét, phải mặc hai lần áo bông, đầu đội mũ lông. Bữa ăn, phải đặt chảo than ở cạnh chỗ ngồi, cơm xới lên khói bốc nghi ngút, người ngoài sợ bỏng mà ông ta vẫn kêu nguội. Mạch Phù, Đại, Trì, Nhuyễn, ấn nặng tay, chỉ nhỏ như sợi tơ. Hợp với chứng mạch thì là một chứng hậu "Chân hỏa không còn, dương khí hầu hết". Không hiểu ông ta đương tuổi tráng niên, mà sao lại đến bệnh tình như vậy? Sau hỏi kỹ mới biết là: ông bố quá tin người bạn nói: "Cao nhị đông" (tức Thiên đông, Mạch đông), người ít tuổi uống rất hay". Liền nấu một nồi cho con uống. Uống liên tục suốt 3 năm, không hề gián đoạn, vì bài thuốc đó, một vị làm lạnh Phế, một vị làm lạnh Thận. Lâu dần khí hàn tràn khắp nội tạng, dương khí do đó suy vi dần. Cuối Xuân năm ấy, phát sinh chứng triều nhiệt. Y giả cho uống thuốc phát tán, nhiệt vẫn không lui mà mồ hôi ra không ngừng, dần dần phát sinh ố hàn. Y giả lại cho uống các vị như Hoàng liên, Hoa phấn, Đan bì, Địa cốt tí, Bách hợp, Biển đậu, Bối mẫu, Miết giáp, Nuy di v.v... để thoái nhiệt. Mới gây nên chứng hậu như trên. Thiên Sĩ liền kê một đơn: Nhân sâm 8đ.c, Nhục quế, Bào khương mỗi vị 2 đ. c, Xuyên tiêu 0, 5đ.c, Bạch truật 2đ.c, Hoàng kỳ 3đ.c, Phục linh 1đ.c, Đương quy 1,5đ.c, Xuyên khung 0,7 đ. c. Uống lên tiếp 8 thang, Hoàng Lãng đã bỏ áo bông không phải mặc. Nhưng ăn vào vẫn còn sợ nguội. Liền cho uống Bát vị gia giảm, lại dùng Lưu hoàng chế Kim dịch đan (24) cho uống tới trăm ngày, mới khỏi hẳn. Đó là cái hại dùng lương dược để bổ. Nếu chậm thay chiều đổi dùng nhiệt dược thì còn sống sao được? 

Nguồn trích: CHƯƠNG IX: KINH NGHIỆM LÂM SÀNG - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990