Logo Website

TÁC PHẨM CỤC PHƯƠNG PHÁT HUY

02/02/2021

ĐIỀU 110. TÁC PHẨM CỤC PHƯƠNG PHÁT HUY 

Chu Ngạn Tu viết Cục phương phát huy, chủ yếu là phê phán những quan điểm sai lầm, không phù hợp với nguyên tắc "biện chứng luận trị" và "tùy bệnh sử phương” của Đông y. Bắt đầu ông viết: 

"Hòa tễ cục phương là một bộ sách có thể căn cứ vào chứng bệnh để tìm phương, rồi do phương để dùng dược, không cần phải tìm thầy, không cần phải bào chế, chỉ tìm mua những loại hoàn tán sẵn đem về sử dụng bệnh sẽ khỏi.. Thật là một tấm lòng thương dân rất đáng quý... Nhưng theo ý tôi thì thấy có nhiều điểm chưa được thật ổn. Người xưa chia y làm 4 bậc là "thần, thánh, công, sảo" lại nói: "Làm nghề y cốt phải có ý thức chính xác...". Vì thế, khi theo học tuy đã được truyền thụ chính xác, nhưng đến khi lâm cơ ứng biến, phải như viên tướng khi ra mặt trận, người lái đò lúc vặn tay chèo... Nếu không có một trí thức cao siêu, một lập trường vũng chắc, một tài năng linh hoạt, không sao đạt được tiêu chuẩn là lương y. Giờ lại thu góp những bài thuốc kinh nghiệm của người xưa, để đối phó với những bệnh biến vô cùng phức tạp ở đời nay có khác chi "khoét thuyền tìm gươm, xem vẽ tìm ngựa”... Nếu có khỏi bệnh cũng chẳng qua là gặp may...". 

Trên đây là đoạn mở đầu, từ phần dưới trở xuống, đều là phân tích các bài thuốc, như luận về bài "Chí bảo đan, Linh bảo đan...", ông viết: "Chủ trị của hai bài này là "trúng phong không nói 

được" và "trúng phong nói nhịu"... Không nói được với nói nhịu, có thể coi như một được không? Không nói được có khi do mất tiếng, có khi do tinh thần hôn mê, có khi do lưỡi bị cứng, có khi do bị cấm khẩu (miệng không há ra được)..; nói nhịu có khi do lưỡi bị giãn ra, có khi do lưỡi bị tê đại... Chủ trị của hai bài đó lại nói: "Chữa đại trường phong bí...” nhưng bí có khi do phong nhiệt, có khi do phong hư. Vậy có thể dùng một bài mà chữa cả được chăng?... Chủ trị của 2 bài đó lại nói: "Chữa máu ra ở miệng mũi, nhưng máu ra ở miệng mũi phần nhiều do dương thịnh âm hư, chỉ có thăng, không có giáng, huyết theo khí lên, chảy ngược lên các khiếu ở bộ phận trên. Phương pháp điều trị cần phải bổ âm ức dương, khí dồn xuống thì huyết sẽ theo về các đường kinh, lẽ nào lại có thể dùng các vị có tính chất nhẹ nhàng bay bốc lên như Long não, Sạ hương kết hợp với các vị có tính chất táo hãn loài kim thạch? Chủ trị lại nói: "Chữa da dẻ khô rộp ngứa ngáy..." Nội kinh nói: "Các chứng ngứa là do hư, huyết không thấm nhuần được tới cơ tấu mà sinh ra. Vậy cần phải dùng loại thuốc tư bổ để nuôi dưỡng âm huyết, huyết hòa, da nhuận sẽ hết ngứa. Lẽ nào lại có thể dùng tới 17 lạng loại thuốc bằng chất kim thạch, kết hợp với 5 lạng Long não, Xạ hương, Nhũ hương, Quế chi... mà chỉ ghé vào có một lạng Đương qui để hòa huyết, một thăng đồng tiện để hoạt huyết, một thăng Sinh địa trấp để sinh huyết... Huyết có thể đương khô kiệt mà điều hòa sinh sôi được chăng? Có thể thấm nhuần tới ngoài da khô rộp để khỏi ngứa được chăng?. 

Xem sơ qua mấy nét trên, ta có thể nhận thấy chủ trương của Ngạn Tu là phải biện chứng luận trị, phải tùy bệnh sử phương, tức là theo đúng nguyên tắc trị liệu của Đông y, không thể dùng một bài trị bao gồm cả mấy loại bệnh, để tránh cái tình trạng “đánh vào nơi không người". Chủ trương đó thật là đúng. Tôi bình sinh làm thuốc cũng theo chủ trương đó, nên rất ít khi dùng các loại cao đan hoàn tán do các cửa hàng bào chế đã chế sẵn. Gián hoặc cũng có dùng nhưng chỉ dùng những bài nào có tính chất đơn thuần, khi trị liệu sẽ tùy chứng hậu để thay thang, như Phản hồn đan, Hoàng hạc đan, Thanh nang hoàn, Lưu hoàng hoàn, Chỉ truật hoàn, Thần hựu hoàn v.v... Ngoài ra chỉ khi nào cần lắm mới làm hoặc mua cũng là tránh cái tình trạng "đánh vào chỗ không người" đó thôi. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990