Logo Website

TÁC PHẨM Y HỌC GẦN ĐÂY

04/02/2021

ĐIỀU 112. TÁC PHẨM Y HỌC GẦN ĐÂY (I) 

"Gia đạo Truyền Thông bảo" là một quyển sách thuốc kinh nghiệm do Linh mục Đặng Chính Tế soạn, xuất bản lần thứ nhất năm 1936, lần thứ 2 năm 1952. Nội dung chia làm 3 phần: 

- Phần thứ nhất: là các bài thuốc, kinh nghiệm chữa các loại tạp bệnh, tổng cộng 285 bài. Các bài thuốc phần nhiều là thuốc dân tộc, chỉ lác đác có đôi ba vị thuốc bắc nhưng đều là các vị rẻ tiền, thường dùng như Thương truật, Phòng phong v.v... Tựu trung có cả bài của Hải thượng Lãn ông như bài chữa tê thấp số 94, mà soạn giả cho là "rất hiệu nghiệm" là trích ở trong Bách gia chân tàng trong bộ Y tông tâm lĩnh. Ngoài ra có rất nhiều bài giá trị như Kim Đĩnh, Cừu khí v.v... 

- Phần thứ hai: tường thuật về vận niên. Trong phần này lại chia làm hai: phần một là cách xem vận niên tính theo dương lịch do Cố Hàn sáng tác, tại phần hai là tính vận niên theo can chi âm lịch, 60 năm là một hội; có phân tích rõ từng năm, có kèm theo cả bản đồ can chi so sánh với năm dương lịch. 

- Phần thứ ba: là Nam dược bản thảo, xếp theo vần A. B. C.. tổng cộng 309 vị. Các vị thuốc đều chép rõ tên Việt, tên Hoa, và nói rõ tính năng, công dụng khá rành mạch. 

Một quyển sách viết bằng quốc âm mà nội dung được như trên cũng là rất hiếm. Khá tiếc về phần ấn loát sai lầm quá nhiều, nhất là về bản thảo; phần tên Hoa cũng nhầm nhiều quá như Thiên niên kiện mà nhận là Cây Vạn tuế, cây Nhọ nồi là Nhân trần... Cả đến âm chữ Hoa cũng đọc sai, như Mãng thảo đọc là Bôn thảo... Những điểm sai nhầm như vậy nhan nhản khắp sách. Không hiểu vì sao mà cẩu thả đến như vậy. Nhưng dù sao cũng là một quyển đáng quí, sau này nếu chỉnh lý lại được, thì giúp ích cho kho tàng thuốc Nam và công tác phục vụ nhân dân không phải nhỏ.

ĐIỀU 113. TÁC PHẨM Y HỌC GẦN ĐÂY (II) 

Các sách Đông y do người Việt Nam ta soạn, ngoài các bộ của Tuệ Tĩnh, Tâm Lĩnh là hai tác phẩm đặc sắc nhất, không những toàn thể y giới Đông y ta đều biết tiếng, đều tuân theo làm gương mẫu... Cho cả giới Tây y hiện nay cũng đã có nhiều người rất quen thuộc và hâm mộ cái danh hiệu Tuệ Tĩnh và Lãn Ông. Ngoài hai bộ nói trên, tôi còn được xem tác phẩm của cụ Bùi Thúc Trinh, người làng Quần Anh, tịnh Nam Định, nay là Hà Nam Ninh. Xem bài tựa bộ Vệ sinh yếu chỉ, viết vào niên hiệu Thành Thái năm Canh dần, lúc đó cụ đã 80 tuổi. Thì thấy cụ đã soạn: Y học thuyết nghi (1 quyển), Y môn hội anh (28 quyển), Sơ thí tiện dụng (3 quyển) và Vệ sinh yếu chỉ (8 quyển). Văn cụ viết giản ước, cứng rắn, không rườm rà. Tuy là sách biên tập nhưng tựu trung không ít sáng kiến độc đáo, không hoàn toàn sao lục sách của người xưa. Chỉ xem một bài "Biện chứng huyền thuyên” viết trên đầu bộ Vệ sinh yếu chỉ cũng đủ thấy văn bút và học lực của Cụ. Xin giới thiệu một đoạn sau đây: 

"Việc chủ yếu của nghề làm thuốc là biện chứng, mà biện chứng rất khó. Bởi bệnh chứng có ẩn hiện, có chân giả, tựa phải mà không phải, khác nhau chỉ bằng sợi tóc. Thí dụ một chứng ngoại cảm phong tà, mà hoặc rức đầu, mình nóng; hoặc khái thấu, hoặc hôn mê, hoặc sợ sệt, hoặc co ruỗi, hoặc lở ngứa, hoặc đau tê, hoặc nôn mửa, tiết tả... Những chứng hậu về phần "tiêu” có khá nhiều, nhưng có khi đơn phát, có khi kiêm phát, vốn không nhất định, mà cái "gốc" của nó là "phong" thì chỉ có một. Không những thế mà những chứng hậu vừa kể trên, thì ở các bệnh cảm hàn, cảm thử, cảm thấp và Nội thương v.v... cũng đều có cả, không riêng gì một chứng cảm phong. Nhưng thuộc về bệnh cảm phong, tất còn phải có “phong chứng, phong mạch” có thể dựa vào đó làm bằng. Các bệnh Hàn, Thử, Thấp và Nội thương cũng đều như vậy. 

Lại như một bệnh về Nội thương uống ăn, mà hoặc rức đầu mình nóng, hoặc trướng đầy, hoặc đau bụng, hoặc nôn mửa, hoặc ỉa chảy, hoặc mỏi mệt... Những chứng hậu về phần "tiêu" có khá nhiều: Nhưng có khi đơn phát, có khi kiêm phát, cũng không nhất định, mà cái gốc của nó là “thương thực” thì chỉ có một. Không những thế, mà những chứng hậu như vừa kể trên, thì ở các bệnh thất tình, lao dịch, phòng dục và khí huyết đờm uất... cũng đều có cả, không riêng gì một bệnh Thương thực. Nhưng thuộc về bệnh Thương thực, tất nó còn phải có "thực chứng", "thực mạch”, có thể dựa vào đó làm bằng. Các bệnh ngoại cảm, Nội thương cũng đều như thế cả. 

Do đó ta có thể nhận thấy "nguyên nhân" có một mà chứng hậu biểu hiện khá nhiều; chứng hậu biểu hiện tuy như một, mà nguyên nhân thì lại khác..." 

Xem đoạn văn viết trên, thật là rành mạch, rõ ràng, không chút hàm hồ khuất khúc... Những đoạn nghị luận trong toàn bộ đều một thể tài như thế cả. 

Tôi nghe nói những bộ sách của họ Bùi tại vùng Nam Định, Thái Bình người ta cũng đã chép tay được tới linh 50 bộ. Khá tiếc còn 2 bộ Y môn hội anh và Sơ thí tiện dụng tôi chưa được xem... Ước mong rằng: những bộ sách đó sau này cũng được dịch cả ra quốc văn như bộ Y tông Tâm lĩnh của Hải Thượng ích lợi cho nền Đông y của ta rất lớn. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990