Logo Website

TÀI NĂNG CỦA CÁT KHẢ CỬU - CHU NGẠN TU

11/02/2021

ĐIỀU 120. TÀI NĂNG CỦA CÁT KHẢ CỬU - CHU NGẠN TU 

Lục Thái Đô đàm thoán chép: Viên quan Bình Chương ở Chiết Giang, khi xuống thuyền để đi đến chỗ làm việc, giữa đường bỗng bị trúng phong, chân tay không cất lên được. Mời Cát Khả Cửu đến chữa. Khi tới nơi đã thấy Chu Ngạn Tu ngồi ở trong thuyền. Hai ông vốn biết tiếng nhau mà chưa biết mặt. Sau khi được người nhà giới thiệu, đều cùng mừng. Rồi cùng nhau bàn tới mạch và bệnh chứng của Bình Chương. Chu nói: bệnh nguy lắm rồi, không thuốc nào chữa được nữa. Khả Cửu nói: tôi cũng nhận thấy là nguy, nhưng còn một phép châm... Chu nói: Ông châm chẳng qua cũng chỉ làm cho tay chân cử động được thôi... Có ích gì... Người nhà cố nài Khả Cửu châm, châm xong quả nhiên tay chân cử động được. Chu hỏi người nhà đường về tới quê nhà Bình Chương xa gần bao nhiêu, bấm đốt ngón tay tính nhẩm, rồi bảo: nên kíp trở truyền về ngay, may còn được tới nhà, thậm chí không kịp nữa đâu. Quả nhiên khi Bình Chương tới nhà, vừa đặt nằm yên thì chết. 

Trong Dị lâm cũng chép: 

Chu Ngạn Tu thường chữa một người con gái ở Chiết Giang bị bệnh lao sái. Khi bệnh đã khỏi, chỉ còn sót lại ở trên mặt có hai bớt đỏ tại hai bên má, không cách gì làm cho sạch được. Ngạn Tu hết phương chữa, bảo bố mẹ người bệnh: bệnh này chỉ có ông họ Cát ở Ngô Trung mới chữa khỏi được. Nhưng ông ta là người hào phóng, các người khó lòng mời được, để tôi biên thư rồi cho người mang tới, họa may ông ta mới đến. Nhà chủ vâng lời. Khi người nhà mang thư tới, Cát công đương cùng một bọn đông người đánh bạc ngoài sân, tiếng cười ha hả vang dậy cả nhà. Người mang thư đứng chờ không dám nói. Mãi một hồi lâu, ông mới ngoảnh lại, trông thấy, cất tiếng hỏi: Anh muốn hỏi gì?... Người kia đưa thư. Xem xong, tức thì khoác áo cùng người mang thư ra đi ngay, cũng không chào ai cả. Khi tới Chiết Giang, Ngạn Tu thuật lại bệnh tình, rồi bảo bố mẹ người con gái dẫn con gái ra cho ông xem. Xem xong, ông nói: cần phải châm vào hai vú. Người bố có ý ngại ngần... Ông nói: không hề chi, phủ áo ra ngoài châm cũng được. Người bố vâng lời. Quả nhiên sau khi vừa rút châm, thì vết đỏ ở 2 bên má đều lặn hết. Cả nhà đều mừng, đem lễ tạ ra rất hậu, ông cười gạt đi nói: "Ta đến đây là vì Chu tiên sinh đấy chứ! Có vì nhà các người đâu...". Dứt lời dắt tay Ngạn Tu cùng về nhà Ngạn Tu chơi. 

Xem hai chuyện chép trên, ta nhận thấy những cử chỉ của các danh y đời xưa, thật khác thường. Ông Mạnh tử từng nói: "hữu chư trung hình chư ngoại" thật rất đúng. 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990