Logo Website

THẬN TRỌNG KHI DÙNG PHÉP HÃN

22/01/2021

ĐIỀU 98. THẬN TRỌNG KHI DÙNG PHÉP HÃN 

Chữa bệnh ngoại cảm phong hàn, bắt đầu là phương pháp phát hãn, điều đó ai cũng rõ, nhưng tựu trung còn có rất nhiều chi tiết phức tạp, khi lâm sàng cần phải nhận định đủ mọi phương diện, mới tránh khỏi sai lầm. Đoạn ghi nói về "không nên phát hãn thái quá" của Từ Hối Khê chứng minh điều nói ở trên: 

"Nguyên tắc chữa bệnh, không ngoài 2 phương pháp hãn với hạ. Hạ không đúng làm hại người, sự nguy hiểm sẽ biểu hiện ngay. Cho nên y giả và bệnh nhân phần nhiều không dám dùng bừa. Đến như vì hãn nhiều mà vong dương, mười người chỉ có độ 2, 3, mà phần nhiều sau khi đã chết, cũng không ai biết là tại hãn. Bởi sao? Phàm người bị cảm phong hàn, tất. cùng bảo nhau: "Thà giữ cho ấm hơn là để cho mát"... Người bị bệnh cũng đáp điếm cẩn thận, Các y giả cũng đều nói: uống thuốc cần phải cho phát hãn mới khỏi. Do đó, bệnh nhân muốn được ra mồ hôi, mười người như một đều cho là một lẽ đương nhiên. Ở 2 mùa Thu Đông mà giữ gìn ấm quá, còn không hại mấy; đến giữa mùa Hạ hoặc đầu mùa Thu, khí trời khô ráo, tấu lý mở rộng, vệ khí rất dễ bài tiết... Trường hợp đó mà phải ở buồng kín và đắp chăn, đồng thời lại cho uống thuốc phát hãn, tất sẽ đi đến tình trạng hãn ra quá nhiều bị vong dương mà chết. 

Lại như bệnh ngoại cảm, khi hãn còn chưa ra, tất phải có tình trạng buồn bực, ố nhiệt, sau khi hãn đã ra, vệ khí tiết ra hết, tất đi đến tình trạng dương suy mà ố hàn. Lúc bắt đầu phải đắp chăn cho ấm, còn là sự miễn cưỡng; đến lúc đó tuy muốn không đắp chăn mà cũng không thể được; nhưng càng đắp chăn, hãn càng ra; hãn càng ra lại càng hàn, cứ thế mãi cho tới thời kỳ hãn ra dấp dính như dầu, tay chân quyết lãnh... bệnh tình đã không thể cứu vãn. Đến khi chết, tinh thần vẫn tỉnh táo, không chút đau đớn... Bệnh nhân, y giả và người xung quanh, đều không hiểu vì sao mà chết, chỉ cùng trông nhau lấy làm lạ mà thôi... Trường hợp này, tôi thấy khá nhiều, thật đáng suy nghĩ! Tóm lại, đối với người bị bệnh, không nên để cho mát quá, cũng không nên để cho ấm quá, không duyên cớ gì không nên để cho ra mồ hôi. Chỉ khi uống thuốc, nên cho mồ hôi ra nhâm nhấp. Phương pháp uống bài Quế chi của Trọng Cảnh: uống thuốc xong, đắp chân cho mồ hôi nhâm nhấp, không được để đầm đìa... Đó là một nguyên tắc nhất định không thể thay đổi. Đến như khi bị vong dương còn chưa nặng lắm, vẫn có thể cứu được, như những bài Chân võ, Lý trung, Tứ nghịch trong Thương hàn luận đều có thể chọn lọc, sử dụng. Nếu dương đã thoát hết thì đành bó tay, không còn phương pháp nào cứu vãn nữa. Lại như gặp mùa nắng nực, bệnh nhân hoặc ở trên gác nhỏ hướng tây, hoặc ở gần bếp đun, dù người vô bệnh, thì đứng một lúc cũng mồ hôi đầm đìa; người bị bệnh tránh sao khỏi mồ hôi ra suốt ngày, dù không vong dương cũng đến âm kiệt mà chết. Gặp những tình trạng như vậy, tuy không có hoàn cảnh thay đổi, cũng nên cố tìm lấy chỗ hơi mát hơn một chút... Nếu không, thì dù thuốc tiên cũng không cứu được". 

Nguồn trích: CHƯƠNG VII: Y LÝ VÀ Y ÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990