Logo Website

VÀI KHÍA CẠNH CỦA ÂM VÀ DƯƠNG

03/12/2020

ĐIỀU 29. VÀI KHÍA CẠNH CỦA ÂM VÀ DƯƠNG 

Thiên Kim quỹ chân ngôn luận trong Tố Vấn cố đoạn nói: ”Nói về âm dương ở con người, thì bụng là âm, lưng là dương v.v..." Lão tử lại có câu: "Muôn vật tựa vào âm mà ôm lấy dương”. Về hai thuyết trên, từ xưa tới nay có rất nhiều nhà bàn tán, Không biết cho thuyết nào là đúng. Theo thiển ý tôi thì: hết thảy mọi vật đều có thể chất và công dụng khác nhau. Nói về công dụng thì bụng là dương, lưng là âm; nói về thể chất thì bụng là âm, lưng là dương. Bởi qui luật của trời đất: lớn là dương, nhỏ là âm; cao là dương, thấp là âm; ngoài là dương, trong là âm. Dịch nói: "Lập ra qui luật của trời, là âm với dương; lập ra qui luật của đất, là nhu với cương...". Lại nói: "Càn cương, khôn nhu...". Nay như lấy lớn nhỏ mà nói thì: lưng lớn mà bụng nhỏ; lấy cao thấp mà nói thì: lưng ở trên cao mà có cái hình thế như che chở, tức là cái hiện tượng của trời; bụng ở dưới thấp mà có cái hình thế như chịu đựng, tức là cái hiện tượng của đất; lấy cương nhu, trong ngoài mà nói, thì: lưng cứng rắn mà ở bên ngoài, bụng mềm mại mà ở bên trong, nói về kinh mạch thì: dương đi ở lưng, âm kinh đi ở bụng, cái xu thế của thể chất đã rành mạch như vậy. Con người đối với các loài bay, chạy, bơi, lội thể trạng tuy khác nhau, mà bẩm thụ cái khí âm dương thì cũng như một. Nếu cho lưng là âm, bụng là dương, đối với con người còn có thể tạm được, đến đối với loài vật thì còn ra sao? Bởi vậy tôi nghĩ: lưng với bụng chia ra âm dương, là do sự phân biệt về công dụng và thể chất mà nói. Bất tất phải câu nệ thuyết nào là đúng hay không đúng. 

Nguồn trích: CHƯƠNG II: LÝ LUẬN VỀ ÂM DƯƠNG-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990