VỀ BỆNH TRÚNG PHONG
ĐIỀU 101. VỀ BỆNH TRÚNG PHONG
Trong các y thư về Nội khoa, đều xếp môn Trúng phong lên đầu, nhưng phần nhiều là nói về Chân trúng phong, tức là ngoại phong; các bài thuốc phần nhiều là Đại, Tiểu tục mệnh, Tam sinh ẩm, Địa hoàng ẩm tử v.v... Còn về Nội phong không thấy mấy bộ xếp thành một môn riêng, chỉ chép phụ vào môn Trúng phong (tức ngoại phong) và nêu 2 chữ "Loại trúng”. Xem đó, ta nhận thấy người xưa coi trọng Chân trúng hơn Loại trúng... Có lẽ do đời xưa nhiều Chân trúng, ít loại trúng chăng? Riêng về tôi, làm thuốc đã hơn 50 năm, gặp bệnh Trúng phong không phải ít, nhưng có đến 9/10 là loại trúng... Không mấy khi được dùng tới các bài Đại, Tiểu tục mệnh và Tam sinh ấm v.v... Xin nêu một y án sau đây làm dẫn chứng:
Nguyễn Đinh Thư, 47 tuổi, quê ở Hữu Bằng, Thạch Thất (Sơn Tây), bị bệnh đã 5 ngày, mời tôi đến chẩn.
- Vọng: Sắc mặt tái xanh
- Văn: Tiếng nói yếu, trong cổ như có đờm nghẽn vướng
- Vấn: Do kinh doanh thất bại, trong lòng buồn bực. Khi buồn thường đem rượu ra uống suông, không thiết gì ăn. Trước đây mười lăm ngày thường phát rức đầu, buốt óc, nhưng coi thường, không để ý. Hôm đó, sáng dậy định đi làm, bỗng dưng ngã ngất bất tỉnh nhân sự, chừng 10 phút mới tỉnh. Nhưng tay chân bên trái đều không cử động được nữa, đồng thời rức đầu kịch liệt. Đã uống hai thang thuốc của lương y gần đấy. Thuốc uống vào đầu càng đau thêm. Xem lại đơn thấy dùng bài Bổ dương hoàn ngũ thang của Vương Thanh Nhậm (6) trong đó Hoàng Kỳ dùng tới 5 đ.c.
- Thiết: mạch bên tả Huyền, Trường, bên hữu Hồng, Trường; trọng án đều có lực.
- Hiện chứng: Tay chân bên trái vẫn bại liệt, đầu rức như búa bổ, coi vẻ rền rỉ nhăn nhó rất đáng thương. Tự nói: trong bụng nóng như đốt.
- Biện chứng: Bệnh này do nghĩ nhiều mất ngủ, thành ra âm hư, dương thịnh; Thủy không thấm nhuần được Mộc, Mộc động thì phong sinh. Do đó, đờm thừa thế dồn lên, khí thừa thế thăng lên, dồn dập ào ạt, làm nghẽn lấp cả các thanh khiếu, nên mới gây thành chứng ngã ngất. Thiên "Sinh khí không thiên luận” trong Tố Vấn nói: "Huyết cùng với khí, dồn dập ngược lên, sẽ thành chứng đại quyết”. Chính là nguyên nhân chủ yếu của bệnh này. Theo danh từ mới, bệnh này có thể gọi là "Não xung huyết" (Xung huyết não). Mạch bên trái Huyền, Trường là do nhiệt của rượu mà sinh ra. Đó cũng lại là một nguyên nhân nữa làm cho huyết khí dồn lên làm nghẽn tắc thanh khiếu. Lương y trước không nhận kỹ chỗ đó, lại dùng toàn loại thuốc trợ dương bổ khí để điều trị... Nhưng mạch và chứng như vậy, phỏng chịu sao nổi sức thăng bổ của Hoàng kỳ? Sở dĩ đầu rức như búa bổ, chính là kết quả của các loại thuốc thăng bổ đó.
- Luận trị: chữa bệnh này, chủ yếu là phải dồn huyết từ bộ phận trên xuống. Dùng Ngưu tất làm quân dược. Do kinh nghiệm của tôi, Ngưu tất có tác dụng giáng huyết từ bộ phận trên xuống rất nhanh chóng. Rồi dùng các vị Long cốt, Mẫu lệ (để sống), Thạch cao, Giả thạch, Xuyên luyện, Huyền Sâm, Long đởm, Sinh cam thảo... làm tá sứ. Chủ yếu toàn bài là nhằm mục đích "Tiềm dương, giáng nghịch, thanh nhiệt, tức phong" theo phương pháp của Mạnh Anh, Sơn Lôi.
- Ngưu tất 1 lạng Long cốt 6 đ.c. Mẫu lệ 6 đ.c.
Xuyên luyện 6 đ.c. Bạch thược 6 đ.c. Thạch cao 1 lạng
Giả thạch 6 đ.c. Huyền sâm 4 đ.c. Long đởm 4 đ.c.
Sinh cam thảo 2 đ.c. Các vị trên làm một thang, mài rỉ sắt lấy nước, sắc uống.
- Hiệu quả: uống hết 2 thang, chứng rức đầu khỏi hẳn, mạch cũng điều hòa, tay chân bên trái đã cử động được. Tôi liền đổi phương dùng:
- Đương qui 5 đ.c. Bạch thược 5 đ.c. Huyền sâm 5 đ.c. Thiên đông đ.c. Sinh hoàng kỳ 3 đ.c. Nhũ hương 3 đ.c. Một dược 3 đ.c. Hồng hoa 1 đ.c.
Uống hết 2 thang sau, đã chống gậy đi được. Trong bài này sở dĩ dùng Hồng hoa là để hóa bỏ ứ huyết còn sót lại ở, trong hung bộ, vì mạch đã điều hòa, đầu đã không rức, có đủ khả năng hấp thụ được sự ôn bổ của Hoàng kỳ, nên mới dùng tới 3 đ.c. để bổ thêm cho chính khí, và giúp Qui, Thược, Nhũ, Một cho lưu thông huyết mạch dễ dàng; đồng thời lại có thể điều chỉnh bớt tính hàn lương của Huyền sâm và Thiên đông.
Theo đơn sau, uống thêm 3 thang nữa, khỏi hẳn.
Nguồn trích: CHƯƠNG VII: Y LÝ VÀ Y ÁN - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990
Bài viết Đông y khác
- NHẬN THỨC VỀ DÙNG THUỐC
- VẬN DỤNG NGÂN KIỀU TÁN - TANG CÚC ẨM
- NHẬN THỨC VỀ BÀI QUẾ CHI THANG
- NHẬN THỨC VỀ BÀI THANH CHẤN THANG
- VẬN DỤNG TIỂU SÀI HỒ THANG
- NHẬN ĐỊNH VỀ THẬP TẢO THANG
- PHÂN TÍCH BA BÀI THỪA KHÍ THANG
- BÀN VỀ DÙNG THUỐC
- PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ
- VỀ MẬT MỘT SỐ ĐỘNG VẬT
- TÁC DỤNG CỦA THỊT CHÓ
- KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT
- NÊN VÀ KHÔNG NÊN DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- DÙNG HOÀNG CẦM TRONG AN THAI
- CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ
- SỬ DỤNG VỊ CHI TỬ
- CÔNG DỤNG CỦA LÁ HAN
- CÔNG DỤNG CỦA NÕN CHUỐI
- CHẤT CHÍNH VỀ VỊ ĐẠI PHÚC BÌ
- CÔNG NĂNG CỦA VỊ KỶ TỬ