Logo Website

VỀ TRỊ PHÁP CỦA TRỌNG CẢNH

09/12/2020

ĐIỀU 40. VỀ TRỊ PHÁP CỦA TRỌNG CẢNH 

Có người nói: ông Trọng Cảnh sở trường về Thương hàn, không sở trường về tạp bệnh, nên ít khi dùng đến phép bổ. Thuyết đó thật là nông nổi vô cùng, nếu nói ông Trọng Cảnh không sở trường về tạp bệnh, thì có lẽ toàn bộ Kim quỹ yếu lược cũng đều là luận về Thương hàn cả chăng? Trong linh 200 bài thuốc ở trong Kim quỹ yếu lược, cũng đều là những bài thuốc chữa về Thương hàn cả chăng? Còn như nói: "ít khi dùng phép bổ" thì lại càng mơ hồ lắm. Dưới đây tôi xin nêu một vài trị liệu và dùng bổ pháp của Trọng Cảnh, như nói: “Tâm khí không đày đủ, thổ huyết, nục huyết... Tả tâm thang chủ về bệnh ấy; hư lao lý cấp, và cốc chứng bất túc, Hoàng kỳ kiến trung thang chủ về bệnh ấy, chứng ngũ lao hư cực, gầy còm, bụng đầy, không ăn được, thực thương, ưu thương, phòng thất thương, cơ thương, lao thương, kinh lạc vinh vệ thương, trong có huyết ứ, ngoài da rộp vảy, hai mắt quầng đen... Đại hoàng chích trùng hoàn chủ về bệnh ấy; hư lao eo lưng đau, bụng dưới đau cấp, tiểu tiện không lợi, dùng Bát vị thần hoàn; hư lao và các chứng bất túc, mọi bệnh về phong khí... Thự dự hoàn chủ về bệnh ấy v.v... Ngoài ra, các bài thuốc về loại đó có rất nhiều, không thể kể xiết. Vậy có thể nói là Trọng Cảnh ít dùng phép bổ được chăng? Có một điều là: Trọng Cảnh dùng Tả tâm thang bổ tâm khí bất túc; dùng Đại hoàng chích trùng hoàn bổ ngũ lao hư cực.. Khác với người đời sau dùng Sâm, Nhung, Quế, Phụ, Hà sa, Nhân nhũ đấy thôi. 

Thực ra thì: Trọng Cảnh sở dĩ là bậc y thánh, có thể làm thầy hướng đạo cho muôn đời chúng ta về sau, chính là ở chỗ đó. 

Nguồn trích: CHƯƠNG III: SUY NGHĨ VỀ THƯƠNG HÀN-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990