Logo Website

Y HỌC VIỆT NAM CỔ ĐẠI

06/02/2021

ĐIỀU 115. Y HỌC VIỆT NAM CỔ ĐẠI

Năm 1959, tôi có viết một bài đề là "Lược khảo về lịch sử y học Việt Nam”, đoạn đầu, nói về "Thời kỳ viễn cổ” có một đoạn viết như sau: 

"Nước ta lập quốc từ trước kỷ nguyên 2879 năm đến trước kỷ nguyên 207 năm. Đây là thuộc về thời kỳ thống trị của họ Hồng Bàng. Trong Khâm định Việt sử cương mục chép: nước ta lập quốc ngang với đời Đế Nghi Đế Minh bên Trung Quốc. Vị vua đầu tiên là Kinh dương vương, truyền ngôi cho Lạc Long quân, rồi đến 18 đời Hùng vương, nối dõi mãi về sau. Hùng vương đóng đô ở Phong Châu (hiện ở Phú Thọ, nay là tỉnh Vĩnh Phú, còn có đền thờ Hùng vương), đặt tên nước là Văn Lang, đặt tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, các Hữu ty là Bồ Chính, con trai là Quan lang, con gái là Mỵ nương... và chia nước làm 15 bộ. Trong đời Hùng Vương đã có sự bang giao với Trung Quốc như sai sứ sang dâng rùa cho vua Đường Nghiêu, và dâng chim trĩ trắng cho Thành vương nhà Chu v.v... 

Như vậy là trong khoảng hơn hai ngàn năm dưới quyền thống trị của họ Hồng Bàng, Việt Nam đã thành một vương quốc hẳn hoi. 

Đã có nước, tất phải có dân; đã có dân tất phải có sự sinh hoạt; đã có sự sinh hoạt tất phải có bệnh tật; có tật bệnh tất phải có phương pháp thích đáng để đối phó với tật bệnh. Thiên Dị pháp phương nghi luận, phân tích rõ dân cư ở 5 phương, vì hoàn cảnh, phú bẩm khác nhau, nên tật bệnh cũng phát sinh mỗi phương một khác, do đó mà sản xuất những phương pháp đối phó với tật bệnh cũng phải khác... Nhân dân Việt Nam ta sống dưới quyền thống trị của họ Hồng Bàng một thời gian khá dài, chẳng lẽ trong nhân dân lại không có một ai bị ốm đau? Hoặc có bị ốm đau mà đành cứ bó tay chịu chết, không có một phương pháp nào để phòng ngừa và điều trị? 

Trước khi giải đáp vấn đề có liên quan đến y học đó, tôi xin dẫn mấy cổ tục lưu truyền từ đời Hùng Vương để nghiên cứu trình độ y học của tổ tiên chúng ta trong thời kỳ viễn cổ. 

1. Tục nấu bánh chưng: 

Tương truyền từ đời vua Hùng Vương thứ 6, một hôm nhà vua bảo các con trai, ai biết làm một thứ bánh gì ăn ngon, mà có thể để lâu được, sẽ truyền cho ngôi vua. Có một vị Quan lang (tức Hoàng tử) nghĩ ra cách dùng gạo nếp làm bánh, trong có nhân bằng đậu, ngoài bọc bằng lá giong, gói hình vuông, luộc chín, rồi dâng lên vua cha. Vua cha ăn thử, quả nhiên vừa dẻo vừa ngon, mà lại gói bằng lá giong nên có thể để lâu được hàng tháng vẫn không thiu. Kết quả vị quan lang đó được truyền ngôi, tức là Hùng vương thứ 7. 

2. Tục ăn trầu:

Dùng lá trầu không, quệt một ít vôi vào trong, rồi cùng với cau (tươi hoặc khô) bỏ vào miệng 

nhai, biến thành một miếng có nước đỏ tươi và mùi thơm. Tục nhuộm răng: 

Dùng cánh kiến tán bột, trộn với nước chanh ủ mấy ngày cho thật ngấu, rồi cắt lá cau thành từng phiến nhỏ ngang với chiều hàm răng, phết thuốc vào phiến lá cau đó, tối đi ngủ đắp lên trên răng, sáng ngủ dậy bỏ đi. Nhuộm như thế chừng 7; 8 đêm, răng đương trắng biến thành sắc đỏ tía (tục gọi là răng cánh kiến); khi đó mới dùng Ngũ bội tử tán bột, trộn thêm một phần mười bột quế chi hoặc tế tân, cũng nhào với nước chanh hoặc rượu, ủ cho thật ngấu rồi lại phết vào lá cau đắp lên trên răng như trước. Thứ thuốc có Cánh kiến gọi là thuốc răng vàng, thứ thuốc có Ngũ bội tử gọi là thuốc răng đen (thuốc răng đen có khi người ta trộn cả phèn đen). Đợt nhuộm răng đen chỉ chừng 3, 4 đêm là có thể được, màu răng sẽ biến thành màu đen lấp lánh rất đẹp (tục gọi là răng hạt huyền), có người đến suốt đời ăn không phai. Có một điều hơi khó cho những người có máu "háu ăn" là trong thời kỳ nhuộm răng: đều phải ăn nuốt chót (vì sợ nhai thì phai mất thuốc) không được nhai vì thế không khỏi có ảnh hưởng tới sức khỏe, nên tục ngữ có câu "mặt có xanh, nanh mới vàng”, tức là nói về sự phải kiên trì đó. 

Bây giờ đem 3 cổ tục nói trên, để nghiên cứu về y dược lý, ta thấy: 

Tục nấu bánh chưng: Tổ tiên chúng ta đã biết phối hợp thực phẩm, vừa được ngon lành, vừa hợp vệ sinh. Nhất là lại biết dùng lá giong để gói, nó vừa giữ cho bánh để lâu không thiu, lại có thể giải được các chất độc từ ngoài phạm vào. Giờ ta thử lấy lá chuối để gói bánh, thì chỉ được từ 

hôm trước đến hôm sau là bánh đã bị thiu; hoặc thử lấy lá giong để nút chai rượu, chỉ qua một đêm, rượu ở trong chai đã bị nhạt; lại như những người say rượu quá, chỉ giã búp lá giong vắt lấy nước cho uống là tỉnh rượu ngay. Xem vậy, ta có thể phỏng đoán khi vị Quan lang dùng lá giong gói bánh, tất phải qua nhiều lần kinh nghiệm và suy xét tỉ mỉ mới đạt được kết quả như vậy. 

Tục ăn trầu: 

1. Cau:

Tên Trung Quốc là Tân lang, các Bản thảo chép về tính chất thì: vị đắng, cay, tính ấm và rít, không có độc. Về hiệu năng thì tả khí, công tích, sát trùng, hành thủy, dùng làm thuốc giúp cho sự tiêu hóa. Về tác dụng thì: kích thích vào niêm mạc dạ dày, giúp thêm sức gạn lọc cho dạ dày, khi tới ruột già, gặp loài điều trùng (giun) sẽ diệt chết hoặc làm cho nó phải bài tiết ra cùng với phân. Về chủ trị thì: tiêu thức ăn, dồn chất nước, giết các loại trùng như sán v.v... Lý Thời Trân viết trong Bản thảo cương mục: "Chữa các chứng đau bụng, các chứng Ngược (sốt rét, nóng một cách dữ dội), và ngăn ngừa khí độc của rừng núi v.v..." Hoàng Cung Tú viết trong Bản thảo cầu chân: "Chứng tích tụ rắn đến đâu cũng có thể làm cho tan; chứng trướng bĩ đầy đến đâu cũng có thể làm cho tiêu... Cho nên phàm các chứng kiết lỵ lý cấp, và khí độc của rùng núi, say rượu không tỉnh v.v... đều nhờ khí vị "khổ, tân và ôn” của nó làm cho khỏi. 

2. Trầu không:

Tên Trung Quốc là Lâu diệp, hoặc Cẩu lâu. Trong Bản thảo chép về phần chủ trị: có tác dụng khơi thông các chất tích trệ, tiêu tan khí độc của rừng núi. Triệu Học Mẫn trong Bản thảo cương mục thập di chép: dùng Lâu diệp phơi khô, để vào hũ bịt kín để dùng dần... Có tác dụng khỏi được tích trệ, bài trừ khí độc của rừng núi. Dùng nó để nấu dầu xoa bóp rất hay”. 

3. Vôi:

Tên Trung Quốc là Thạch hôi. Trong Bản thảo chép: về tính chất: vị cay, khí ôn, có độc; về chủ trị: chữa ghẻ lở ngứa ngáy, khí nhiệt, mụn độc, kinh giản, giết loại trùng gây nên bệnh trĩ. Trong Phổ tế phương dùng vôi lâu năm chữa chứng sâu răng; Trương Tam Phong cũng dùng vôi chữa chứng đau răng có sâu v.v... 

- Tục nhuộm răng:

Xét về tính chất của các vị làm thuốc nhuộm răng: 

1. Cánh kiến:

Tên Trung Quốc là Tử cánh hoặc Tử khoáng. Bản thảo cương mục chép: "Tử khoáng do một loại sâu nhỏ như con kiến, leo làm tổ trên cành cây, rồi hút lấy nhựa cây mà làm nên. Cũng giống như loại sâu nhỏ leo lên cây Đông thanh hút lấy nhựa cây đó mà làm thanh Bạch lạp. Về tính vị: ngọt, mặn, bình, hơi có độc. Về chủ trị: chữa tà khí ở 5 tạng, các vết bị thương, chứng Bạch đái và phá tích huyết; mọc thịt non, làm khỏi đau. Lý Thời Trân trong Bản thảo cương mục viết: Tử khoáng nấu cao chữa được chứng ghẻ lở ngứa ngáy phát sinh bởi khí thấp. 

2. Ngũ bội tử:

Về tính vị: Bản thảo cương mục viết: toan, bình, không có độc. Chữa răng sâu loét; phong độc từ Phế tạng tràn ra bì phu phát sinh chứng lở nát ngứa ngáy nung mủ hoặc rỉ ra nước vàng; các chứng Trĩ ỉa ra máu, mãi không khỏi; trẻ em cam lở ở mũi v.v... Mậu Hy Ung viết trong Bản thảo kinh sơ: vị này chủ trị về chứng chân răng sâu loét, phong thấp lở ngứa và trẻ em cam mũi v.v... Đều dùng làm thuốc chữa bệnh ở ngoài, do vị đắng của nó có thể sát trùng, vị toan của nó có thể liêm nhiệt. Về tính nó ráo nên chủ về phong thấp lở láy và bệnh trĩ đại tiện ra huyết v.v... 

3. Phèn đen:

Tên Trung Quốc là Tạo phàn, vị chua, tính mát, không có độc. Có tác dụng tiêu tích hóa đờm, làm ráo chất ẩm ướt ở Tỳ. Chữa các chứng đau mắt gió, sâu răng, họng đau, bụng đầy, da vàng, Trường phong, sốt ngược, kiết lỵ, tả ra huyết; trẻ em lưỡi cứng lưỡi dày v.v.. 

Trên đây nói về tính chất của trầu cau và các vị thuốc nhuộm răng. Tuy mới chỉ là sơ lược nhưng cũng có thể do đó để hiểu biết tổ tiên ta ngay từ ngàn xưa, không những đã biết sử dụng dược vật một cách rất khôn khéo, mà lại còn biết thích ứng với địa dư rất đúng. Chúng ta đều biết Việt Nam ở vào giải đất ôn nhiệt, mưa nắng bất thường, khí thấp nhiệt nung nấu gây nên nhiều tật bệnh. Nhất là ở đời xưa, chắc khu vực miền Bắc nước ta phần lớn là sông rộng chằm sâu, hơi độc rừng núi với khí thấp nhiệt quanh năm hun bốc (Như chằm Dạ Trạch ở Hưng Yên đã là nơi tiêu diệt quân Lương; hồ Lãng Bạc là nơi vua Trưng đánh nhau với quân Mã Viện. Khi Mã Viện mới đem quân sang ta, viết thư về cho cháu là Mã Du miêu tả khí trướng lệ ở hồ Lãng Bạc rất là rùng rợn); các chứng bệnh như sâu răng, lở loét, bụng đầy, kiết lỵ và sốt rét v.v... rất dễ phát sinh. Tổ tiên ta nhằm vào những tai hại đó nghiên cứu ra phương pháp phòng ngừa thường xuyên, đặt ra tục ăn trầu, kết hợp 3 thứ đều có tác dụng sát trùng, trừ hơi độc rừng núi, tiêu tan các chứng đầy, giải trừ bệnh kiết lỵ. Lại vừa làm một miếng ăn chơi hàng ngày. Khi ăn vào biến thành thứ nước đỏ tươi thắm, trong miệng thơm tho, thứ nước đó nuốt vào bụng thời các chứng hậu nói trên sẽ tiêu tan một cách ngấm ngầm; đồng thời làm cho tinh thần khoan khoái, đương say hóa tỉnh, đương mệt hóa khỏe, đương đói hóa no; lại kèm thêm đôi môi đỏ thắm, vẻ mặt hồng hào... thật tài tình. Còn như tục nhuộm răng, có lẽ cũng đồng thời sản sinh với tục ăn trầu, hoặc có sau cũng không xa là mấy. Vì nhận thấy hai hàm răng đương trắng nõn mà sau khi nhai trầu, không khỏi biến thành màu không đẹp, tục gọi là răng "cải mả", thật khó coi. Do đó tổ tiên ta mới nghiên cứu làm cho giảm bỏ sự khó coi đó, nhưng vẫn không quên sử dụng các vị thuốc làm cho chặt răng, bền răng, tiêu diệt giống vi trùng khoét đục trong chân răng. Lâu dần biến thành một thói quen, coi răng đen làm đẹp, như những câu ca dao hãy còn truyền tụng: 

Ba quan mua lấy miệng cười, 

Mười quan mua lấy miệng người răng đen. 

và: 

Hàm răng trong câu ca dao trên, là nói về hàm răng đen, theo sự thẩm mỹ của người xưa chứ không phải là loại răng "hạt bầu" như ngày nay. 

Tạm thời, chúng ta có thể sơ lược kết luận: "Xuất phát từ phương pháp phòng bệnh, mà lại ngụ được cả ý nghĩa làm tăng vẻ đẹp con người" tổ tiên chúng ta, nếu không phải là có một trình độ y dược học khá cao, thì không thể đạt được mức độ đó... 

Mình về có nhớ ta chăng? 

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười... 

Ngoài mấy phong tục nói trên, chắc còn nhiều những lý luận về y học, dược học, và trị liệu học khác nữa, nhưng đã bị mai một trong thời kỳ Bắc thuộc. Cho mãi tới ngày nay, chỉ còn sót lại một ngành dược học, lưu truyền rải rác khắp dân gian, mặc dầu nó vô cùng phong phú, nhưng đều chỉ là "khẩu truyền" chứ không có gì là tài liệu ghi chép... 

Nguồn trích: CHƯƠNG VIII: HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990